Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống” Ga 8,12


 Lòng yêu mến, niềm khao khát  khi theo Chúa


Trong một thị kiến Chúa tỏ cho ông Gioan : “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3,20). Ai sẵn sàng mở cửa lòng đón Ngài phải là người có tâm hồn khao khát chân lý, như ngôn sứ Isaia thốt lên : “Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài. Suốt đêm trường, hồn con khao khát Chúa, trong thâm tâm, những kiếm tìm khắc khoải.Khi Chúa thực thi quyết định của mình khắp năm châu, người bốn bể học biết đường công chính. Lạy Đức Chúa, Ngài cho chúng con được an cư lạc nghiệp, vì hết mọi việc chúng con làm đều do Ngài thực hiện cho chúng con.” (Is 26,8b-9.12).

          Vì thế triết gia Kierkegaard nói : “Mọi vấn đề ăn thua với cuộc sống hệ tại lòng yêu mến, tìm hiểu về vấn đề gì mà không yêu mến, thì không biết gì cả!”

          Thánh Tôma Tiến sĩ nói : “Người trí thức có ba việc phải làm là học điều mình tin, hiểu điều  mình yêu và mến việc mình làm”.
          Thánh Augustin nói : “Ở đâu có tình yêu, ở đấy hết khó nhọc, giả như có khó nhọc lại yêu chính sự khó nhọc đó”.
          Thánh Gioan Maria Vianey nói : “Thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu mến”.
          Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Mọi sự sẽ qua đi,chỉ có Đức Mến tồn tại muôn đời” (1Cr 13,13).
          Cuộc đời phục vụ của Đức Giêsu luôn bị thúc đẩy bởi lòng mến, lòng mến ấy đã bộc lộ qua hai lần Ngài nói : “Tôi khát” :

1.                    Bắt đầu cuộc đời lên đường đi rao giảng Lời khắp nơi, Ngài ngồi bên bờ giếng Giacob nói với người phụ nữ miền Samari: “Tôi khát, chị có nước cho tôi uống ?” Rồi Ngài giải thích cho chị : “Ai uống nước giếng này còn phải khát, nước của tôi ban ai uống không bao giờ còn phải khát” (x Ga 4).
2.                    Khi lập Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu nói : “Thầy những khao khát ăn lễ Vượt Qua này với chúng con” (Lc 22,15-16)
3.                    Cuối đời phục vụ, khi bị treo trên thập giá,Ngài lại thốt lên : “Tôi khát” (Ga 19,28).
Như thế suốt đời phục vụ của Đức Giêsu lúc nào Ngài cũng “khát”. Có người đến dự tiệc ThánhThể để được đồng hóa với Ngài, đó là người “khôn Ngoan đã được chứng minh bằng hành động” (x Mt 11,19b : Tin Mừng). Ai yêu mến đến với Đức Giêsu, thì phải học hỏi Lời của Ngài, đó là “khởi điểm đích thực của Đức Khôn Ngoan” (Kn 6,17). Và cũng bởi nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, mà Ngài lại cho chúng ta biết đói khát Chân Lý, như Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Amos nói : “Ta sẽ gieo đói khát trên xứ này, không phải vì đói bánh ăn, cũng không phải vì khát nước uống, mà là đói khát được nghe Lời Chúa” (Am 8,11).

Ai khát Chúa, “hãy ra nghênh đón Người, chính Người là Hoàng Tử bình an” (Tung Hô Tin Mừng). Và “ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống” (Ga 8,12 


THUỘC LÒNG

·                                 Khởi điểm đích thực nhất của Đức Khôn Ngoan là thực lòng ham muốn học hỏi (Kn 6,17).

          -   Ai không đếm xỉa đến việc nhận biết Thiên Chúa, Thiên Chúa để cho trí não ngông cuồng của nó làm điều bất xứng (Rm 1,28).

Trích theo:

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH 

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG


Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh.  Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó.  Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường.  Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết.  Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí.  Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi.  Thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng.  Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của ngài.  Nhìn vào cuộc đời ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:

Làn ánh sáng thứ nhất mà ta thấy nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự khiêm nhường.  Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh ngài.  Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Êlia vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả.  Ngài tự nhận mình chỉ là một "tiếng kêu trong sa mạc."  Ngài khiêm nhường nói rằng ngài không xứng đáng xách giày cho Đấng Cứu Thế.  Thật là khiêm nhường tự hạ.  Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo ngài một làn ánh sáng.  Ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của ngài càng có sức thuyết phục.  Ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.

Làn ánh sáng thứ hai ta thấy nơi cuộc đời của thánh nhân là làn ánh sáng của sự khổ hạnh. Phần lớn đời ngài ẩn dật trong sa mạc.  Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh.  Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe dọa của thú dữ, thánh Gioan Baotixita còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc.  Y phục của ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của ngài là châu chấu và mật ong rừng.  Sự khổ hạnh không chỉ lóe sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai.  Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại.  Người khổ hạnh là người đặt niềm hy vọng ở tương lai.  Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa.  Tương lai tươi sáng mà thánh Gioan Baotixita chờ đón chính là Đức Giêsu Kitô mà ngài loan báo.

Làn ánh sáng thứ ba nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự trung thực.  Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có.  Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình.  Trung thực với lòng mình, nên ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối.  Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hê-rô-đê không được phép lấy chị dâu.  Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây.  Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân.  Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Đức Giêsu Kitô.

Làn ánh sáng thứ tư nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự quên mình.  Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật.  Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết.  Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng.  Khi mọi người tuốn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Đức Giêsu, nên ngài nói: "Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người" (Ga 1, 27).  Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Đức Giêsu. Khi thấy đám đông đã bỏ ngài để đi theo Đức Giêsu, ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên ngài nói: "Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Ga 3, 30).

Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo.  Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên.  Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng.  Ngài đã biết tự hủy mình đi để Chúa được nhận biết.  Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa.  Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến.  Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa.  Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em.  Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi.  Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi.  Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gioan Baotixita để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến.

Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của ánh sáng.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt


Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Thư Gửi Toàn Dòng Của Cha Tổng Quyền Bruno Cadore, O.P.
16.04.2014 11:30

Chủ đề năm nay là “Người giáo dân Đa Minh với việc giảng thuyết”. Năm nay được bắt đầu liền ngay sau Năm Đức Tin do Đức Thánh Cha Bênêđíctô khai mạc tại Thượng hội đồng về Tân Phúc Âm hóa và truyền giảng đức tin, để kỷ niệm ngày khai mạc công đồng Vatican II, và khép lại với việc Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium).
Dòng Anh Em Giảng Thuyết
Trụ Sở Trung Ương Dòng
Roma ngày 22/12/2013
NGƯỜI GIÁO DÂN ĐA MINH VỚI VIỆC GIẢNG THUYẾT
 Đề tài học hỏi năm 2014
trong giai đoạn chín năm chuẩn bị mừng Năm Thánh của Dòng 
“Sau đó, Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm.
 Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ,
 người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến.”
 (Ge 3,1)
Anh chị em thân mến,
 Tôi hết sức vui mừng khi viết lá thư này – vào đúng ngày kỷ niệm Dòng được châu phê – để khai mạc một năm trong giai đoạn chín năm hướng đến Năm Thánh của Dòng. Chủ đề năm nay là “Người giáo dân Đa Minh với việc giảng thuyết”. Năm nay được bắt đầu liền ngay sau Năm Đức Tin do Đức Thánh Cha Bênêđíctô khai mạc tại Thượng hội đồng về Tân Phúc Âm hóa và truyền giảng đức tin, để kỷ niệm ngày khai mạc công đồng Vatican II, và khép lại với việc Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium).
 Vì vậy, chúng ta phải lưu tâm đến người giáo dân Đa Minh, trong bối cảnh Dòng Thuyết Giáo nhận được rất nhiều tiếng kêu mời phải canh tân nhiệt tình rao giảng Tin Mừng. Quả vậy, Tổng hội gần đây của anh em đã chọn chủ đề cho Năm Thánh là “Được sai đi loan báo Tin Mừng”, một chủ đề vừa đơn sơ nhưng cũng rất căn bản. Việc chọn chủ đề như thế nhắc lại việc các anh em tiên khởi được sai đi giảng thuyết để phục vụ Giáo hội, hoàn toàn dấn thân cho việc loan truyền Lời Chúa.
 Khẩu hiệu Năm Thánh thật đơn sơ, nhắc chúng ta lưu ý đến trọng tâm của sứ vụ mà Giáo hội mong muốn nơi Dòng: đó là loan báo Tin Mừng. Khẩu hiệu này cũng mang ý nghĩa căn bản, bởi vì, vượt trên tất cả những khó khăn mà chúng ta có thể gặp phải, vượt trên tất cả những bấp bênh của sứ vụ hay của đời sống, nó luôn nhắc chúng ta nhớ rằng trước hết và trên hết chúng ta phải sẵn sàng để được “sai đi”, vì như thế là chúng ta sống đúng căn tính của mình. Ngày nay, có lẽ hơn lúc nào hết, chủ đề về người giáo dân Đa Minh phải giúp chúng ta nhận rõ hơn rằng tất cả chúng ta, là thành viên gia đình Đa Minh, đều được sai đi cùng nhau để cổ vũ cuộc đối thoại của Thiên Chúa với thế giới qua việc rao giảng Tin Mừng bình an.
 Một “Cộng đồng Đa Minh” được sai đi rao giảng Tin Mừng
 Hẳn nhiên, đã có nhiều thay đổi so với thuở ban đầu của Dòng. Chẳng hạn, Giáo hội đã suy tư về việc giảng thuyết. Giáo hội cũng suy tư về người giáo dân và vai trò thiết yếu của họ trong vấn đề làm chứng và loan báo Tin Mừng, Công đồng Vatican II là một thời điểm đặc biệt quan trọng đối với những suy tư đó. Cũng thế, suy tư trên được thực hiện và được hỗ trợ bởi những kinh nghiệm cụ thể của người giáo dân, xét vì họ là thành phần toàn vẹn của các Hội Dòng, của các cộng đoàn mới cũng như của các truyền thống linh đạo. Tất cả những điều đó có một điểm chung là xác tín đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI nhấn mạnh trong Công đồng chung Vatican II, đó là: Giáo hội chỉ trở thành chính mình cách đích thực tuỳ theo mức độ biến chính mình thành một cuộc đối thoại trong thế giới. Điều đó có nghĩa là qua việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới, Giáo hội mong muốn làm chứng rằng, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa của mạc khải Kinh Thánh đến gặp gỡ con người để đối thoại với  họ.
 Cách đây khá lâu, tôi có dịp may được tham dự sinh hoạt của một giáo xứ ở Haiti,vào lúc mà người ta tổ chức những cộng đoàn Giáo hội nhỏ bé, gọi là các “Huynh Đoàn”. Sau này, tại một số giáo xứ khác, hình thức đó được gọi là “Ti Legliz” (Giáo hội nhỏ). Cả hai cách gọi đó nhắc cho chúng ta một điều rất đơn giản là vào những thế kỷ đầu tiên, “Huynh đoàn” là tên gọi được dùng để chỉ các cộng đoàn trong Giáo hội. Huynh đoàn, nơi đan xen giữa việc chia sẻ đức tin và hình thành cuộc sống nhân sinh của mỗi cá nhân, cũng chính là lò tôi luyện giúp cho việc làm chứng và truyền giáo. Như thế, huynh đoàn được coi như ấn dấu trên bản khai sinh của Giáo hội.
 Rõ ràng là tình hình hiện nay đã khác với thuở ban đầu của Dòng, tuy vậy, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy một số điểm tương đồng khiến chúng ta nhớ lại những gì đã đốt lên ngọn lửa nơi đức giám mục Diego và cha thánh Đa Minh: đó là có những xáo trộn về lối sống trong Giáo hội, do những biến đổi trong xã hội phong kiến, sự xuất hiện những kiến thức mới cũng như những cách thức mới để đạt được những kiến thức đó, những thay đổi tận căn trong cơ cấu tổ chức của xã hội và các thành phố. Ngay trọng tâm của những thay đổi này, xuất hiện những nhóm giáo dân mời gọi Giáo hội chuyển động, dám mạo hiểm ra khỏi những cơ cấu vốn quá ổn định và cứng nhắc đến độ bóp nghẹtngọn gió đang thổi đến. Những con người “nghèo” và “hèn mọn” này chọn lựa cuộc sống liên kết với sự hiện diện khiêm tốn trong thế giới, với một lời sống động vàđích thực được rao giảng như một tin vui, và với một lối sống khá quyết liệt. Họ được thúc đẩy bởi trực giác này là, một lối sống quyết liệt trong trọn vẹn con người vì Tin Mừng, là cách tốt nhất để “diễn giải” Lời và bày tỏ sự hiện diện của Đấng đã đến cứu độ thế giới. Trong số các nhóm giáo dân đó, một số được chính Đức giáo hoàng Innôcentê III cho phép đi giảng lưu động và hành khất. Những hội “Dòng Ba” khất thực có thể được xem cách nào đó như là những người thừa kế của các phong trào này, mà chúng ta phải phân biệt rõ ràng khỏi các sáng kiến về đời sống tu trì.
 Từ chính bối cảnh Giáo hội sôi nổi tìm cách tái khám phá bản chất đích thực của mình, mà phát sinh nhóm “Giảng Thuyết Thánh tại Prouilhe”, và một số giáo dân đã gia nhập vào cuộc phiêu lưu còn mới mẻ của thánh Đa Minh. Đọc lại thời gian sơ khai này, tôi không thể không nghĩ rằng, khi thánh Đa Minh đón nhận những người nữ hoán cải đầu tiên muốn đặt mình dưới sự bảo trợ của ngài, tiếp đến là bà Ermengarde Godoline và chồng là Sanche Gasc (8/8/1207), thì cha Đa Minh đã bắt đầu mơ về một lối sống theo mẫu gương cộng đoàn được thánh sử Luca đề cập trong Tin Mừng của ngài, cộng đoàn đi theo Đức Giêsu, “qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa” (Lc 8,1-3). Đoạn văn ngắn của Tin Mừng Luca mô tả Đức Giêsu, nhà giảng thuyết, là trọng tâm của trình thuật từ đoạn 7 đến đoạn 10, trong ý nghĩa đó, chúng ta có thể vui mừng bởi vì, đến lượt mình, chúng ta cũng “được sai đi để rao giảng Tin Mừng” theo cung cách của huynh đoàn. Tiếp nối nhóm “giảng thuyết thánh”, chúng ta được sai đi như một gia đình để rao giảng Tin Mừng. Như thế, khái niệm “Gia đình Đa Minh” không phải chỉ là một cách nói để diễn tả việc qui tụ những nhóm có chung một mục đích giống nhau, nhưng nó còn diễn tả một cách thức loan báo Tin Mừng và, từ lối nhìn này, người giáo dân Đa Minh là một lời nhắc nhở về một đòi hỏi bắt nguồn từ trong Tin Mừng.
 Sự thống nhất của Dòng chúng ta thực sự có được nhờ sứ vụ rao giảng Tin Mừng: giáo dân, nữ tu và anh em trong Dòng là những thành viên của cùng một gia đình với căn tính chung là tất cả đều được sai đi rao giảng Tin Mừng qua việc làm chứng cho một Thiên Chúa đang đến đối thoại với con người. Hay đúng hơn, chúng ta có thể nói rằng căn tính “Đa Minh” trước hết là một gia đình – một “cộng đoàn hiệp thông” được thiết lập bởi mối liên hệ chặt chẽ giữa việc rao giảng Tin Mừng và suy niệm chân lý; Chân lý này là Lời sống động đã đi vào thế giới, mà chúng ta cố gắng trình bày qua ba dạng thức là cầu nguyện, học hỏi và huynh đệ, mỗi khía cạnh được cụ thể hóa cách riêng biệt tuỳ theo lối sống của mỗi anh chị em. Đoạn Tin Mừng của thánh Luca được trích dẫn ở trên cho thấy việc sai nhóm Mười Hai, rồi đến nhóm bảy mươi hai môn đệ đã được gắn liền với việc Đức Giêsu mạc khải chính mình như Lời đến trần gian để hoàn tất lời hứa và trao ban sự sống, Lời mà chúng ta phải lắng nghe và đem ra thực hành, chính Lời này đang quy tụ anh chị em lại với nhau. Khi giới thiệu các anh em giảng thuyết, đức Hônôriô mô tả họ là những người hoàn toàn hiến thân cho việc rao giảng Lời Chúa. Chính sự dấn thân cho Lời, qua việc rao giảng và chiêm niệm (“xin hãy thánh hóa họ trong chân lý: Lời ngài là chân lý”, Ga 17,17) làm cho chúng ta nên một. Trong viễn cảnh ấy, chiều kích hiệp nhất của gia đình Đa Minh là điều thiết yếu bởi vì nó được liên kết với sứ vụ loan báo Vương Quốc (trong Tin Mừng Gioan, phần tiếp theo lời Chúa Con cầu nguyện với Chúa Cha,rõ ràng nhắc đến việc sai đi đến với thế giới và việc cầu xin cho họ được nên một [Ga 17,18-23]).
 Hẳn nhiên, Dòng Anh Em Giảng Thuyết không chiếm độc quyền giảng thuyết hay loan báo Tin Mừng trong Giáo hội, nhưng tôi nghĩ rằng khi Giáo hội “châu phê” Dòng cách đây gần 800 năm, thì cũng chỉ thị cho Dòng, như Dòng “giảng thuyết thánh”, phải phục vụ đặc sủng giảng thuyết của Hội thánh,tức là phục vụ chiều kích cốt yếu đó của Hội thánh. Chính vì chiều kích giảng thuyết này mà Hội thánh được hình thành và được thiết lập nhờ ân sủng từ Thánh Thần của Đức Kitô. Việc phục vụ này không phải chỉ bằng hình thức giảng thuyết hay loan báo Tin Mừng, nhưng hơn thế nữa, còn do việc là gia đình này được xây dựng trên sự hiệp nhất qua việc giảng thuyết, do đó nó là một lời nhắc nhở giữa lòng Giáo hội rằng việc rao giảng Tin Mừng góp phần hình thành nên Giáo hội Huynh đệ và hiệp thông.
 Đối thoại và hiệp thông
 Dưới ánh sáng của ba điều vừa được nhắc tới – một là Giáo hội huynh đệ, hai là giai đoạn đầu của Dòng như nhóm giảng thuyết thánh, và ba là sự hiệp nhất của gia đình Đa Minh – tôi mời gọi anh chị em suy nghĩ về chủ đề cho năm nay: “Người giáo dân Đa Minh với việc giảng thuyết”, và lấy đó làm chủ đề gợi ý suy tư cho chúng ta. Những điều đã nói trên sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng chủ đề này mở ra những chân trời khá rộng, hầu có thể hiểu rõ hơn sự dấn thân của người giáo dân trong Gia đình Đa Minh cần thiết ra sao đối với sứ vụ giảng thuyết của Dòng.
 “Người giáo dân, với ơn gọi của mình, tìm kiếm nước Thiên Chúa qua việc tham gia vào những công việc trần thế và bằng cách sắp đặt thế giới theo kế hoạch của Thiên Chúa. Họ sống trong môi trường trần thế, nghĩa là đảm nhận những bổn phận và công việc khác nhau của thế giới. Họ sống trong những hoàn cảnh đời thường của gia đình và xã hội, có thể nói cuộc sống của họ được đan dệt bằng những sinh hoạt trần thế. Ở đó, họ được Thiên Chúa mời gọi làm việc để thánh hóa thế giới ngay từ bên trong, như men cho đời, qua việc đảm nhận trách vụ của họ dưới sự hướng dẫn của tinh thần Tin Mừng” (GH 31). Trong cái nhìn tổng quát đó, kiểu nói “người giáo dân Đa Minh” giúp ta lưu tâm đến một sự khác biệt nào đó của những con người, nam cũng như nữ, ngày hôm nay đang muốn, nhờ ân sủng của Bí tích Thánh tẩy, tham gia vào sứ vụ của chúa Kitô, đó là theo gương cha thánh Đa Minh, “làm cho sự hiện diện của Đức Kitô giữa lòng nhân loại trở nên sống động” (Luật Sống1968, Lời ngỏ). Là người giáo dân, họ đều được “mời gọi làm cho sự hiện diện của đức Kitô được lan toả giữa lòng thế giới, để sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa được mọi người nhận biết và đón nhận” (Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 3). Và tất cả đều được mời gọi thực hiện điều đó bằng cách đóng góp vào việc thiết lập “gia đình” Đa Minh, một gia đình được sai đi rao giảng Tin Mừng.

 Là giáo dân Đa Minh, “khi trung thành với ơn gọi, họ nỗ lực để mình được thấm nhuần tinh thần của thánh Đa Minh: nhờ chuyên cần chiêm ngắm Thiên Chúa, cùng với việc cầu nguyện và học hỏi, họ kín múc được một đức tin vững chắc; mỗi người tùy theo ân huệ và điều kiện sống của mình, sẽ làm chứng niềm tin của mình cách mạnh mẽ, ngõ hầu soi sáng cho người tín hữu cùng chung một niềm tin với họ,và cả những người chưa được đón nhận ánh sáng Chúa Kitô. Vì thế, nhờ họ, Dòng có thể đạt tới mục đích của mình một cách đầy đủ hơn. Người giáo dân Đa Minh cố gắng nhận ra và chia sẻ những nỗi khổ đau, âu lo và khát vọng của con người. Được ánh sáng Tin Mừng hướng dẫn theo tinh thần Giáo hội, cùng với tất cả những người thiện chí, qua việc phục vụ chân lý, họ cổ võ tất cả những gì là chân thực, công bình và thánh thiện, và họ sẽ ra sức trợ giúp tất cả mọi người, bao nhiêu có thể, trong tinh thần vui tươi và tự do chân thành” (Luật sống 1968, Lời ngỏ).
 Trong số những người giáo dân Đa Minh, chắc chắn các thành viên Huynh đoàn giáo dân Đa Minh có một vị trí quan trọng, vì như là thành viên của Dòng, họ lựa chọn dấn thân suốt đời bằng lời hứa đóng góp theo cách riêng biệt của họ vào sứ vụ của Đức Kitô. Như vậy, họ nối kết việc dấn thân của mình với Lời hằng sống, không chỉ bằng cuộc sống của một người đã được rửa tội, nhưng còn bằng cách sống hài hoà cam kết của họ với cuộc sống mà họ muốn biến thành lời “rao giảng”, phục vụ cho cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại. Đồng thời, họ nối kết việc giảng Lời Chúa vào trong đời sống của Dòng, khi không ngừng qui chiếu việc giảng thuyết này với thể chế của Giáo hội Chúa Kitô, qua việc tìm kiếm sự hiệp thông và hiệp nhất. Như anh chị em đã biết, ngày nay chúng ta phải suy nghĩ về sự phong phú trong các Huynh đoàn, cùng nhau tìm hiểu xem làm thế nào chúng ta thực hiện tốt hơn việc đón nhận, thúc đẩy và nối kết sự đa dạng ấy, một sự đa dạng nhưng quy tụ nơi một chứng từ cụ thể chung, chứng từ bằng đời sống của người giáo dân muốn thi hành sứ vụ giảng thuyết.
 Người giáo dân cũng có thể chọn những cách thế khác để tham gia vào sứ vụ trên và thuộc về “Gia đình Đa Minh” mà không cần tham gia hình thức huynh đoàn: chẳng hạn nhiều Hội dòng nữ Đa Minh có các hội đoàn giáo dân liên kết với họ, một số tu viện hay hoạt động đặc thù của anh chị em Đa Minh cũng có những hội như thế; tham gia Phong trào Giới Trẻ Đa Minh thế giới; Tình nguyện viên Đa Minh; tham gia các Huynh đoàn của cha Lataste và những phong trào được ngài lập theo tinh thần Bêtania. Mỗi nhóm này đều có cách thức dấn thân riêng của mình vào gia đình Đa Minh.
 Và, cũng như các gia đình, chúng ta cũng có những bạn hữu, mặc dù không bày tỏ rõ ràng sự gắn bó, nhưng cùng chia sẻ một sứ vụ, qua việc cộng tác theo nghề nghiệp của họ, nhằm liên đới chặt chẽ với tinh thần của thánh Đa Minh (ví dụ, dạy học, xuất bản, truyền thông), hay những chọn lựa loan báo Tin Mừng (chẳng hạn nhiều giáo dân dấn thân cho việc rao giảng Kinh Mân Côi theo truyền thống Đa Minh). Ý tưởng về gia đình Đa Minh, về sự hiệp thông Đa Minh, cho phép chúng ta nối kết các chiều kích đó lại, cùng với nữ đan sĩ, nam tu sĩ, nữ tu hoạt động, huynh đoàn giáo dân cũng như huynh đoàn linh mục, nhân danh việc rao giảng Tin Mừng, là sứ vụ chung phục vụ Nước Trời, trong sự tôn trọng và tính độc lập của mỗi ơn gọi riêng. (xc. Tài liệu Bolonia)
      Sự phong phú đó rất quan trọng để làm sáng tỏ mối dây liên đới giữa người giáo dân Đa Minh với việc giảng thuyết. Phải nhấn mạnh ngay rằng hạn từ “giảng thuyết” được sử dụng với nghĩa rộng nhất, và vẫn phải tôn trọng bản chất riêng của việc giảng trong phụng vụ như kỷ luật Giáo hội quy định. “Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ” ! Rao giảng Lời Chúa, loan báo Nước Thiên Chúa, công bố Tin Mừng, giảng Tin Mừng bình an, làm lan toả sự hiện diện của Đức Kitô… Tất cả những kiểu diễn tả đó vọng lại lời của ngôn sứ Giôen: mọi người sẽ là ngôn sứ, mọi người sẽ lên tiếng “nhân danh Đức Chúa”. Những kiểu nói của Công đồng Vatican II cho thấy rõ ràng bản chất riêng của ơn gọi giáo dân là truyền giáo. Chính trong ý nghĩa đó mà chúng ta đặt mối dây liên hệ giữa người giáo dân Đa Minh với sứ vụ giảng thuyết của Dòng. Đặc trưng này mang hai ý nghĩa. Một mặt do môi trường riêng của người giáo dân, nơi đó người giáo dân Đa Minh sống và làm chứng, và cũng nơi đó, qua việc phục vụ Tin Mừng, họ giúp cho Dòng hoàn thành sứ mạng của mình, tức là “đạt đến mục đích cách đầy đủ hơn”. Mặt khác, do những gì họ đóng góp cho Dòng và cho sự hiệp thông Đa Minh, và đó cũng là một cách thức bổ túc khác để góp phần hoàn tất sứ mạng của Dòng. Chính những người phụ nữ trở lại khiến thánh Đa Minh ý thức việc cần thiết phải bảo vệ họ. Và chính những người nghèo ở Vôđoa đã cho thấy rõ ràng cách sống triệt để có sức làm chứng cho Tin Mừng như thế nào.
 Theo tôi, người giáo dân Đa Minh có thể giúp cho việc giảng thuyết của Dòng đạt đến cùng đích cách trọn vẹn hơn bằng chính cuộc sống của người giáo dân, điều đó được thực hiện bằng nhiều cách thế khác nhau. Cũng giống như các nam nữ tu sĩ của Dòng, việc giảng thuyết của người giáo dân Đa Minh được đâm rễ từ ngay trong kinh nghiệm sống của họ. Bởi đó, sự phong phú do những đóng góp riêng biệt của người giáo dân Đa Minh cho việc giảng thuyết của Dòng đến từ kinh nghiệm của đời sống gia đình và nghề nghiệp, kinh nghiệm về tình phụ tử, kinh nghiệm về đời sống trong Giáo hội, kinh nghiệm của một người trẻ trong xã hội đương thời, kinh nghiệm riêng của một người đã được rửa tội phải làm chứng về niềm tin của mình trong gia đình hay trong nhóm bạn hữu hàng ngày họ tiếp xúc quen biết, cả những người không chia sẻ cùng một niềm tin, thậm chí đôi khi không tỏ ra thiện chí muốn chia sẻ… Hơn nữa, họ cảm nhận được những khó khăn trong việc làm chứng đức tin theo một cách thức riêng : tại nhiều nơi trong thế giới hiện nay, hoàn cảnh sống thường nhật của giáo dân khiến họ phải đối diện với sự thờ ơ, chủ nghĩa hoài nghi và vô tín, rất khác so với trường hợp của các tu sĩ, và điều đó phải làm giàu cho việc giảng thuyết của toàn Dòng. Cũng vậy, qua cuộc sống gia đình, sự nghiệp và chính trị, người giáo dân hiểu được rằng đối với người Kitô hữu, những đòi hỏi phải sống tình huynh đệ và chân lý, vốn hướng dẫn họ góp sức làm thay đổi thế giới, một hình thức rao giảng được kết nối một cách căn bản với bậc sống của họ, thì cũng phù hợp với việc giảng thuyết chung của toàn “gia đình giảng thuyết”
 Qua tất cả những kinh nghiệm này mà người ta có thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa, về sự hiện hữu của Người, Lời của Người và sự Quan Phòng của Người… Nói nhân danh Thiên Chúa, là để cho Thiên Chúa gợi hứng cho lời nhân loại của ta, sao cho những lời đó làm chứng cho sự hiện diện và cho “sự sống ở với chúng ta” của Đấng vĩ đại hơn tất cả chúng ta. Nhưng cũng là để lặp lại nơi chúng ta, nơi tận cùng kinh nghiệm của chúng ta, kinh nghiệm huyền bí mà chính Thiên Chúa, nơi Con của Người, đã muốn có từ thân phận loài người.
 Người ta dễ hiểu rằng sự bổ túc cho nhau giữa việc giảng thuyết của những người giáo dân và việc giảng thuyết của các nam nữ tu sĩ sống đời thánh hiến trong gia đình Đa Minh, là kết quả của sự bổ túc giữa các kinh nghiệm của đời sống con người. Từ quan điểm này, cần nhấn mạnh rằng một trong những trách nhiệm của gia đình Đa Minh là phải tổ chức sao cho những kinh nghiệm phong phú đó – dĩ nhiên không phải chỉ là những công việc truyền giáo cụ thể - được đối thoại với nhau, và dạy cho nhau về sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa. Tôi thấy rằng, thường chúng ta xem là hiển nhiên việc chúng ta đang cùng nhau lưu tâm đến tính cách đặc thù của kinh nghiệm người Đa Minh ngày nay trong các bậc sống khác nhau, rằng chúng ta cũng hiểu biết cách sống của những thành viên khác trong gia đình Đa Minh… cuối cùng chúng ta thường cho rằng có thể xây dựng “gia đình” của chúng ta mà không nói gì đến chính nền tảng của việc giảng thuyết, trong khi đó chính là nền tảng của ân sủng nơi mỗi người. Để phục vụ cho cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại, chúng ta phải dành thời gian, và phương tiện, để lắng nghe được những tiếng vang vọng từ rất nhiều cuộc đối thoại mà Thiên Chúa đang thực hiện trong trần gian này.
 Khởi đi từ chính những nhận xét ấy, chúng ta có thể nói rằng người Giáo dân Đa Minh đang làm phong phú cho cách thức mà qua đó Dòng phải học mỗi ngày, đó là “yêu mến thế giới”, một thế giới mà chúng ta được sai đến để rao giảng, không phải chỉ bằng những phân tích khôn khéo và chí lý về thế giới, mà còn dám để cho mình chịu thương tích do những kinh nghiệm phong phú về thế giới, mà các thành viên gia đình Đa Minh đang sống. Hơn nữa, khi sống như thế, Dòng trong sự phong phú của mình, cũng học cách để cho chính mình được ghi dấu bởi những cách diễn tả khác nhau của Lời, nẩy sinh từ những kinh nghiệm đó. “Một tay cầm Kinh Thánh, còn tay kia cầm tờ báo” là câu nói được ưa thích của một số cha anh chúng ta. Kinh nghiệm được chia sẻ sẽ làm giàu cho thái độ này. Và chính khởi đi từ cách hiểu như thế về Dòng trong toàn thể tính của mình, có thể càng ngày càng tăng cường xác tín rằng một trong những bổn phận của việc rao giảng Tin Mừng là cho phép mỗi người thấy được chỗ đứng của họ trong Vương Quốc mà chúng ta loan báo, để họ nhận ra trách nhiệm của mình, và đến lượt họ, cũng chấp nhận để được sai đi. Trong Dòng, người giáo dân Đa Minh có nhiệm vụ nhắc nhở những thành viên khác về sự thật hiển nhiên hàng đầu này: đó là trong Giáo hội, người giáo dân không phải chỉ là những người đón nhận việc giảng dạy, đón nhận việc loan báo Tin Mừng và những chăm sóc mục vụ, nhưng đúng hơn họ được mời gọi để trở nên những thành viên tích cực cho những hoạt động đó.
 Canh tân nhiệt tâm loan báo Tin Mừng trong tình hiệp thông
 Gần đây, Giáo hội nói tới khái niệm “gia đình thiêng liêng”, đặc biệt để chỉ những cộng đoàn thường được gọi là “những cộng đoàn mới”. Theo một khía cạnh nào đó, giả như chúng ta chấp nhận một sự sai trệch về thời gian, ta có thể nói rằng “cộng đoàn giảng thuyết thánh” thời ban đầu của Dòng có lẽ đã đáp ứng được định nghĩa này, và rằng ngày nay khái niệm “Gia đình Đa Minh” đang thực hiện ý nghĩa đó.

 Ngày nay, một thông điệp được lặp đi lặp lại và càng ngày càng được nhắc tới, đó là Giáo hội phải cấp bách canh tân nhiệt tâm truyền giảng Tin Mừng, có nghĩa là Giáo hội vừa phải củng cố chính mình, vừa phải trải rộng ra, nhờ sức mạnh và ân sủng của việc rao giảng Tin Mừng. Để đạt được điều đó, phải cấp bách ý thức rằng việc loan báo Tin Mừng không thể được xem như là hoa trái của riêng hàng giáo sỹ trong Giáo hội, nhưng đúng hơn, đó là hoa trái của một sáng kiến chung, nhờ đó toàn thể Giáo hội thực hiện được điểm cốt yếu của mình, là lao mình chạy đến gặp gỡ những con người thời đại. Như thế, để sống đúng bản chất của mình, Giáo hội cần đến sự dấn thân của mọi thành phần trong việc loan báo Tin Mừng cho thế giới. Làm sao chúng ta lại không nghe được sứ điệp khẩn thiết này đối với Dòng chúng ta? Là “người phục vụ đặc sủng giảng thuyết”, Dòng Anh Em Thuyết Giáo có trách nhiệm cổ võ đặc sủng giảng thuyết của người giáo dân trong việc loan báo Tin Mừng, và chỉ ra rằng việc hội nhập người giáo dân Đa Minh vào mối hiệp thông chung của gia đình Đa Minh, điều đó cũng nằm trong chính việc xây dựng Giáo hội. Nhưng lúc đó, trong Dòng cũng như có thể cả trong Giáo hội, chúng ta cần phải cấp bách nhìn nhận rằng các ý nghĩa của việc loan báo Tin Mừng sẽ không thể được xác định nếu thiếu đi một cuộc đối thoại thực sự giữa anh chị em chúng ta, giáo dân, giáo sỹ và tu sỹ, trong khi lưu tâm đặc biệt đến kinh nghiệm và nỗi khao khát truyền giáo của người giáo dân.
 Nhiều yếu tố xem ra có tính quyết định khi nhận định về những đóng góp riêng của người giáo dân Đa Minh vào việc canh tân nhiệt tâm loan báo Tin Mừng trong toàn thể gia đình Đa Minh. Trước hết, với nguy cơ công bố điều tầm thường, người giáo dân nhắc nhở chúng ta rằng trực giác Tin Mừng của thánh Đa Minh không thể bị giản lược vào lối sống của người tu sĩ. Trong một gia đình thiêng liêng, luôn hiện diện một mối nguy là phân biệt kỳ thị dẫn đến phân chia giai cấp một cách hoàn toàn sai lầm: thánh hiến hay không thánh hiến; linh mục hoặc không linh mục; nam và nữ; trẻ với già. Trong chúng ta, phải có sự đơn sơ và can đảm để đối diện với cám dỗ này, và sửa chữa lại cho đúng đắn. Chính bằng cái giá như thế mà chúng ta mới có thể đưa đặc sủng giảng thuyết lên đến mức độ cao nhất để phục vụ cho một Giáo hội huynh đệ. Lắng nghe người giáo dân Đa Minh nói về niềm vui cũng như những khó khăn mà họ gặp phải khi dấn thân phục vụ Giáo hội, chúng ta sẽ khám phá ra rằng, nếu những sự trợ giúp của người giáo dân thường là được hoan hô nhiệt liệt, thì những sáng kiến của họ, việc đào tạo thần học cho họ, những kiến thức lý thuyết và thực tiễn của họ không phải lúc nào cũng được đón nhận một cách đúng đắn. Chúng ta làm như có hai trọng lượng, hai thước đo đối với vị trí được dành cho lời nói của mỗi người trong cuộc đối thoại của Giáo hội.
 Nhấn mạnh đến sự dấn thân của người giáo dân Đa Minh trong việc giảng thuyết, điều đó có nghĩa là, theo truyền thống Dòng, chúng ta đã nhấn mạnh đến việc học hỏi. Thực ra, như đã nói lúc đầu, việc giảng thuyết phải thực bắt nguồn từ sự cân bằng giữa ba hình thức chiêm niệm là cầu nguyện, học tập và đời sống huynh đệ. Loan báo Lời, lắng nghe nỗi khát vọng của thế giới hiện tại đang muốn tìm kiếm chân lý, nỗ lực thiết lập những điều kiện tốt nhất cho cuộc đối thoại với các nền văn hóa cũng như những tri thức mới: tất cả những điều đó đòi hỏi phải khổ chế trong việc học hành. Dòng mãi mãi là “người môn sinh”, hầu cho nhờ việc học hành mà những chứng từ và những lời phát biểu về đức tin tìm gặp được những kiến thức của truyền thống Giáo hội, gặp được tính nghiêm túc và tính khách quan nhờ đó mở ra cho những người đối thoại với chúng ta một nẻo đường chân thật của tự do, từ đó phát triển chính sự hiểu biết của họ về đức tin trong Giáo hội.
 Sự phong phú của những hoàn cảnh cụ thể mà người giáo dân đang sống cũng là nguồn lực dồi dào cho toàn thể Gia đình Đa Minh. Thực sự, nó giúp chúng ta tránh khỏi tính dễ dãi như khi người ta trình bày các thực tại của con người, cá nhân, gia đình và xã hội cách hàm hồ, nó cũng giúp tránh tính “lý thuyết”, thứ lý thuyết vốn có nguy cơ trở thành mẫu mực và giản lược. Chính trong kinh nghiệm cụ thể làm phát sinh những vấn nạn về đời sống lứa đôi, nuôi dạy con cái, trách nhiệm nghề nghiệp, công ăn việc làm bấp bênh, mức sống kinh tế, việc dấn thân chính trị và xã hội. Cũng chính trong kinh nghiệm cụ thể mà người ta cảm nghiệm được thế nào là sự ra đi của người bạn đời hay con cái, những khoảnh khắc khó khăn khi phải chuyển hướng nghề nghiệp, giai đoạn chuẩn bị về hưu, những khó khăn của tuổi già. Tất cả những kinh nghiệm trong cuộc sống cụ thể như thế đều có liên hệ đến việc dấn thân của họ trong việc rao giảng Tin Mừng, người giáo dân Đa Minh mang lại một sự đóng góp vô cùng lớn lao cho việc hiểu Lời Chúa ngay trong gia đình Đa Minh.
 Việc Giáo hội nhấn mạnh đến tính cấp thiết phải canh tân nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng thường phát xuất từ sự kiện “tục hóa”, tình trạng này cho thấy việc rao giảng Nước Trời là một thách đố lớn lao. Ở đây một lần nữa, cần phải nhấn mạnh đến tính đặc thù của những kinh nghiệm mà người giáo dân có được về sự tục hóa trong môi trường nghề nghiệp, bạn bè và gia đình của họ. Đôi khi chúng ta nghe anh chị em giáo dân than phiền vì thấy gia đình của họ lạnh nhạt với đức tin, nỗi cô đơn của họ khi dường như họ không thể công khai tuyên xưng đức tin trong môi trường sống và làm việc, những sự khó hiểu mà họ phải đối diện khi cố chứng tỏ rằng không nhất thiết có sự đối nghịch giữa lý lẽ hiện đại, mà trên hết là khoa học kỹ thuật, với những xác quyết về niềm tin và các giá trị. Đôi khi, có anh chị em nói đến những khó khăn ngay trong bối cảnh đa văn hóa, là họ không tìm được một thái độ đúng đắn trong bối cảnh đa tôn giáo hiện nay. Trường hợp đó, người giáo dân Đa Minh có thể giúp anh chị em trong gia đình Đa Minh sáng tạo ra một lối giảng thuyết bao gồm chứng từ hữu hình và những lời nói rõ ràng.
 Xét về sự bổ túc này, việc dấn thân của gia đình Đa Minh vào sứ vụ loan báo Tin Mừng có thể đề ra một số mục tiêu ưu tiên. Rõ ràng, mỗi “cộng đoàn giảng thuyết thánh” tại địa phương là người trước tiên phải đề ra những ưu tiên ấy, dựa vào tình hình cụ thể, văn hóa đặc thù của mỗi quốc gia và lịch sử Giáo hội địa phương. Nhưng tôi tin rằng ngày nay cần chia sẻ những suy tư của các thành viên khác trong gia đình Đa Minh với anh chị em giáo dân, khi mà chúng ta nhắm tới việc canh tân rao giảng Tin Mừng trong các gia đình, trong lãnh vực giáo dục, nhắm đến giới trẻ. Phải cần đến những kinh nghiệm của họ về kiến thức thực tế thời nay để có thể xác định rõ hơn những điểm chính trong cuộc gặp gỡ giữa Tin Mừng với những nền văn hóa khoa học kỹ thuật, và với những người thuộc mạng xã hội mới. Chính khi cùng với họ, và đặc biệt lưu tâm đến kinh nghiệm của họ, mà chúng ta có thể tiếp cận với sự tục hóa, sự tục hoá này không chỉ làm xáo trộn lối nhìn về Giáo hội, nhưng còn mở ra một nẻo đường mới của tự do trong việc rao giảng Tin Mừng.
 Trước lời kêu gọi canh tân việc rao giảng Tin Mừng, tôi thấy rằng Dòng Anh Em Giảng Thuyết được mời gọi cách đặc biệt để đưa việc ưu tiên quan tâm cổ vũ ơn gọi giáo dân vào trong tính năng động của sứ vụ Dòng, ơn gọi đem Tin Mừng vào giữa lòng thế giới. Đó là một cách thế tuyệt vời để phục vụ Giáo hội hiện nay. Để thực hiện điều đó, tôi xin phép nhấn mạnh đặc biệt đến một số cách thức mà chúng ta có thể phát triển. Thứ nhất, tinh thần mà nhiều nhóm Giáo dân Đa Minh được mời gọi sống theo, phải được ghi dấu và duy trì dấu ấn của niềm vui, sự tự do và nét đơn sơ: những tài liệu hướng dẫn anh chị em Đa Minh được soạn từ thời Công đồng Vatican II đều đi theo hướng đó. Thứ hai, trong số các hội đoàn giáo dân, Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh mang một trách nhiệm lớn lao, vì qua cuộc sống người giáo dân, họ dấn thân thiết lập một sự quân bình giữa tất cả những chiều kích trong truyền thống của thánh Đa Minh. Thứ ba, chúng ta phải cảnh giác để các huynh đoàn, trong khi cung cấp cho anh chị em một lối sống theo trường học của thánh Đa Minh, vẫn hoàn toàn tránh “hơi hướm của đời sống tu trì”, tức là không biến họ thành tu sĩ, cũng như tránh chủ nghĩa hình thức vốn có thể dẫn đến tình trạng xơ cứng. Thứ tư, do đó, chúng ta cũng phải sẵn sàng đón nhận vào gia đình Đa Minh những hình thức sống đời giáo dân kiểu khác, nhất là vì những kinh nghiệm phong phú như đã nói trên đây. Thách đố của việc loan báo Tin Mừng nơi người trẻ chắc hắn mời gọi chúng ta phải cổ võ bao nhiêu có thể những nhóm trẻ có khả năng tham gia vào Phong Trào Giới Trẻ Đa Minh Quốc Tế, không phải như các nhóm “mục vụ” giới trẻ, nhưng đúng hơn là những nhóm được thành lập và huấn luyện để trở thành các nhóm truyền giáo trẻ dành cho người trẻ (lưu tâm đặc biệt đến những người trẻ chưa đón nhận đức tin, và những người sống xa thế giới có những truyền thống thiêng liêng). Trong suốt năm nay, tôi cho rằng điều quan trọng là các thành viên khác trong Gia đình Đa Minh phải tận dụng thời gian để lắng nghe, làm quen và hiểu rõ hơn về ơn gọi của người giáo dân trong toàn bộ sứ vụ của Dòng, và từ đó tham gia cách tích cực hơn trong việc cổ vũ ơn gọi này.
 Nếu ta phát triển tính năng động này nơi người giáo dân Đa Minh, thì điều đó sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh ngay trong lòng Giáo hội một suy tư mang tính thời sự về bản chất ơn gọi của người giáo dân đối với công việc truyền giáo, ơn gọi vốn liên hệ đến tất cả những ai đã được rửa tội. Đồng thời nó cũng giúp suy tư về những đóng góp của “các hiệp hội giáo dân”, thuộc các truyền thống thiêng liêng khác nhau, vào việc hình thành nên những cộng đoàn Giáo hội địa phương. Tôi mời gọi các nhà thần học nam cũng như nữ, thuộc gia đình Đa Minh giúp chúng tôi trong những suy tư này.
 Con trai con gái của các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ… Trong giai đoạn Cửu niên chuẩn bị cho Năm thánh của Dòng, chúng ta dành năm nay cho chủ đề “người Giáo dân Đa Minh với việc giảng thuyết”, điều đó có thể giúp chúng ta ý thức đầy đủ hơn về thách đố của việc “được sai đi loan báo Tin Mừng” trong gia đình Đa Minh. Về cơ bản, đó là một lời mời gọi mỗi người chúng ta phải gắn kết khát mong truyền giảng Tin Mừng của chúng ta một cách sâu xa hơn nữa vào mầu nhiệm Phép Rửa, bí tích rửa tội truyền cho chúng ta phải xây dựng Giáo hội như bí tích cứu độ trong thế giới. Tôi mời gọi tất cả các cộng đoàn trong Dòng, và các cộng đoàn, hội nhóm trong gia đình Đa Minh, dùng thời gian suốt năm nay để nghiền ngẫm ý nghĩa đó. Để thực hiện điều đó, tôi mời gọi anh chị em hãy dành thời gian Mùa Chay này để hằng tuần suy niệm Lời Chúa (lectio divina) trong cộng đoàn, dựa theo bài đọc của năm Chúa Nhật trong năm phụng vụ này, và một lần nữa xây dựng sự hiệp thông bằng cách cùng nhau lên đường đi theo nẻo đường mà Giáo hội mời gọi các tân tòng, là hãy tái sinh bằng niềm vui rao giảng Tin Mừng. 
Tu sĩ Bruno Cadore, O.P.
Tổng quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết

(Theo WĐM)