Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống” Ga 8,12


 Lòng yêu mến, niềm khao khát  khi theo Chúa


Trong một thị kiến Chúa tỏ cho ông Gioan : “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3,20). Ai sẵn sàng mở cửa lòng đón Ngài phải là người có tâm hồn khao khát chân lý, như ngôn sứ Isaia thốt lên : “Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài. Suốt đêm trường, hồn con khao khát Chúa, trong thâm tâm, những kiếm tìm khắc khoải.Khi Chúa thực thi quyết định của mình khắp năm châu, người bốn bể học biết đường công chính. Lạy Đức Chúa, Ngài cho chúng con được an cư lạc nghiệp, vì hết mọi việc chúng con làm đều do Ngài thực hiện cho chúng con.” (Is 26,8b-9.12).

          Vì thế triết gia Kierkegaard nói : “Mọi vấn đề ăn thua với cuộc sống hệ tại lòng yêu mến, tìm hiểu về vấn đề gì mà không yêu mến, thì không biết gì cả!”

          Thánh Tôma Tiến sĩ nói : “Người trí thức có ba việc phải làm là học điều mình tin, hiểu điều  mình yêu và mến việc mình làm”.
          Thánh Augustin nói : “Ở đâu có tình yêu, ở đấy hết khó nhọc, giả như có khó nhọc lại yêu chính sự khó nhọc đó”.
          Thánh Gioan Maria Vianey nói : “Thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu mến”.
          Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Mọi sự sẽ qua đi,chỉ có Đức Mến tồn tại muôn đời” (1Cr 13,13).
          Cuộc đời phục vụ của Đức Giêsu luôn bị thúc đẩy bởi lòng mến, lòng mến ấy đã bộc lộ qua hai lần Ngài nói : “Tôi khát” :

1.                    Bắt đầu cuộc đời lên đường đi rao giảng Lời khắp nơi, Ngài ngồi bên bờ giếng Giacob nói với người phụ nữ miền Samari: “Tôi khát, chị có nước cho tôi uống ?” Rồi Ngài giải thích cho chị : “Ai uống nước giếng này còn phải khát, nước của tôi ban ai uống không bao giờ còn phải khát” (x Ga 4).
2.                    Khi lập Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu nói : “Thầy những khao khát ăn lễ Vượt Qua này với chúng con” (Lc 22,15-16)
3.                    Cuối đời phục vụ, khi bị treo trên thập giá,Ngài lại thốt lên : “Tôi khát” (Ga 19,28).
Như thế suốt đời phục vụ của Đức Giêsu lúc nào Ngài cũng “khát”. Có người đến dự tiệc ThánhThể để được đồng hóa với Ngài, đó là người “khôn Ngoan đã được chứng minh bằng hành động” (x Mt 11,19b : Tin Mừng). Ai yêu mến đến với Đức Giêsu, thì phải học hỏi Lời của Ngài, đó là “khởi điểm đích thực của Đức Khôn Ngoan” (Kn 6,17). Và cũng bởi nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, mà Ngài lại cho chúng ta biết đói khát Chân Lý, như Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Amos nói : “Ta sẽ gieo đói khát trên xứ này, không phải vì đói bánh ăn, cũng không phải vì khát nước uống, mà là đói khát được nghe Lời Chúa” (Am 8,11).

Ai khát Chúa, “hãy ra nghênh đón Người, chính Người là Hoàng Tử bình an” (Tung Hô Tin Mừng). Và “ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống” (Ga 8,12 


THUỘC LÒNG

·                                 Khởi điểm đích thực nhất của Đức Khôn Ngoan là thực lòng ham muốn học hỏi (Kn 6,17).

          -   Ai không đếm xỉa đến việc nhận biết Thiên Chúa, Thiên Chúa để cho trí não ngông cuồng của nó làm điều bất xứng (Rm 1,28).

Trích theo:

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH 

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG


Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh.  Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó.  Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường.  Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết.  Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí.  Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi.  Thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng.  Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của ngài.  Nhìn vào cuộc đời ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:

Làn ánh sáng thứ nhất mà ta thấy nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự khiêm nhường.  Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh ngài.  Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Êlia vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả.  Ngài tự nhận mình chỉ là một "tiếng kêu trong sa mạc."  Ngài khiêm nhường nói rằng ngài không xứng đáng xách giày cho Đấng Cứu Thế.  Thật là khiêm nhường tự hạ.  Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo ngài một làn ánh sáng.  Ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của ngài càng có sức thuyết phục.  Ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.

Làn ánh sáng thứ hai ta thấy nơi cuộc đời của thánh nhân là làn ánh sáng của sự khổ hạnh. Phần lớn đời ngài ẩn dật trong sa mạc.  Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh.  Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe dọa của thú dữ, thánh Gioan Baotixita còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc.  Y phục của ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của ngài là châu chấu và mật ong rừng.  Sự khổ hạnh không chỉ lóe sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai.  Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại.  Người khổ hạnh là người đặt niềm hy vọng ở tương lai.  Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa.  Tương lai tươi sáng mà thánh Gioan Baotixita chờ đón chính là Đức Giêsu Kitô mà ngài loan báo.

Làn ánh sáng thứ ba nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự trung thực.  Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có.  Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình.  Trung thực với lòng mình, nên ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối.  Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hê-rô-đê không được phép lấy chị dâu.  Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây.  Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân.  Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Đức Giêsu Kitô.

Làn ánh sáng thứ tư nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự quên mình.  Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật.  Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết.  Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng.  Khi mọi người tuốn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Đức Giêsu, nên ngài nói: "Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người" (Ga 1, 27).  Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Đức Giêsu. Khi thấy đám đông đã bỏ ngài để đi theo Đức Giêsu, ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên ngài nói: "Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Ga 3, 30).

Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo.  Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên.  Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng.  Ngài đã biết tự hủy mình đi để Chúa được nhận biết.  Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa.  Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến.  Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa.  Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em.  Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi.  Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi.  Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gioan Baotixita để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến.

Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của ánh sáng.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt